image banner
Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 201
Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái hiện nay - nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái ngày 25/91958 là di tích lịch sử cấp Quốc gia đã được Bộ văn hoá thông tin công nhận theo Quyết định số 1288/ VH - QĐ, ngày 16/11/1988.

Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái hiện nay - nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái ngày 25/91958 là di tích lịch sử cấp Quốc gia đã được Bộ văn hoá thông tin công nhận theo Quyết định số 1288/ VH - QĐ, ngày 16/11/1988.

Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái

       Lễ đài nay thuộc Phường Hồng Hà - Thành phố Yên Bái. Lễ đài nguyên là khán đài sân vận động thị xã xưa. phía tây giáp đường đi lại của tổ dân phố rộng chừng 1m, còn lại 3 phía đều giáp với sân vận động. Sân và lễ đài nằm trong khu vực đông dân cư - trung tâm của tỉnh lỵ trước đây. Đường giao thông đi lại rất thuận tiện, có thể đi đến di tích bằng mọi phương tiện. Di tích cách ga Yên Bái chừng 600m về phía tây và cách Bến xe khách Yên Bái khoảng 1,2 km cũng theo hường này.

       Sân vận động thị xã có từ thời Pháp thuộc. Sau khi hoàn thành việc đánh chiếm và thành lập tỉnh Yên Bái (1900), đến năm 1905, Pháp thành lập trại lính lê dương bảo vệ chính quyền của chúng. Để phục vụ đời sống tinh thần của binh lính, nhất là các hoạt động văn hoá - thể thao. Năm 1927, Pháp cho xây dựng sân vận động này để tổ chức các hoạt động hội hè, đá bóng. Nhưng xung quanh sân chỉ được đắp thành các mô đất cao chứ chưa có khán đài, năm 1930 được hoàn thành. Từ đó, Pháp thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tại đây, mời các đội bóng từ Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang đến thi đấu, đồng thời cũng tổ chức nhiều ngày "hội Tây" ở sân bóng.

       Năm 1954, hoà bình lập lại, tỉnh Yên Bái chủ trương khôi phục lại sân bóng thành sân vận động thị xã. Tháng 1/1957, tỉnh cho xây dựng khán đài (lễ đài hiện nay) và tường bao quanh sân theo hình bầu dục.

       Cuối tháng 9/1958, phái đoàn của Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu lên thăm tỉnh Yên Bái. Sau khi thăm và làm việc tại Lào Cai, ngày 24/9/1958 phái đoàn về Yên Bái. Trong thời gian làm việc tại tỉnh, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban hành chính tỉnh đã chọn sân vận động thị xã làm nơi mittinh để Bác nói chuyện với nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

       Sáng sớm ngày 25/9/1958, gần 5000 cán bộ và nhân dân các dân tộc thị xã Yên Bái cùng đồng bào các vùng lân cận đã nô nức kéo đến dự mittinh để được nhìn thấy Người, nghe tiếng Người. Từ Tỉnh đội đi ra, Bác đến sân vận động và bước lên lễ đài trong tiếng hò reo như sấm dậy của đồng bào.

       Sau khi mọi người im lặng, Bác bắt đầu nói chuyện, Người thân mật thăm hỏi cán bộ và nhân dân, chỉ ra những việc làm thiết thực. Người đề cập đến nhiều vấn đề từ đoàn kết dân tộc, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Nói chuyện xong, Bác bắt  nhịp cùng toàn thể đồng bào Yên Bái hát bài "kết đoàn". Từ lễ đài Người dời về nơi làm việc trong tiếng vỗ tay và những bài ca hùng tráng của đồng bào tỉnh nhà.

       Tiếp đó, Người cùng phái đoàn của Chính phủ đi thăm một số cở sở kinh tế và các đơn vị bộ đội trong tỉnh.

       Dù chỉ gần 1 giờ được gặp và nghe Bác nói song đã để lại tình cảm sâu lắng, đầm ấm trong lòng mỗi người dân Yên Bái.

      Từ đó về sau, lễ đài sân vận động trở thành nơi lưu giữ những gì tốt đẹp nhất về Người trong ký ức mỗi người dân Yên Bái. Nơi đây luôn được chính quyền và nhân dân thị xã trân trọng, gìn giữ.

       Ngày 31/5/1966, một trận ném bom của máy bay Mỹ đã làm sập 1 góc của di tích. Năm 1977, di tích được sửa lại, thay cửa hình vòm bằng cửa hình vuông. Toàn bộ kiến trúc vẫn được giữ nguyên.

       Di tích lễ đài - chính là khán đài của sân vận động thành phố Yên Bái hiện nay là nơi duy nhất lưu giữ những kỷ niệm thiêng liêng về vị lãnh tụ vĩ đại - Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Di tích là nơi giữ lại những giá trị tinh thần vô giá, với ý nghĩa lịch sử lớn lao, giáo dục truyền thống đoàn kết, cần cù lao động sản xuất trong nhân dân tỉnh Yên Bái không chỉ lúc đó mà mãi mãi về sau này. Đến với di tích ta như lại nghe thấy giọng nói đầm ấm của Người trong ngày lịch sử đó.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0