Khu di tích mộ Nguyễn Thái Học
Ban đầu khu mộ là vùng đất tận cùng của nghĩa trang thị xã, một vùng hoang sơ thuộc tổng Bách Lẫm, phủ Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Sau 1954 chính quyền địa phương tập trung cả hài cốt của dân công, bộ đội hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp vào khu vực này để xây đài, bia mộ.
Với sự độc đáo của kiến trúc đã khơi dậy nội thế địa lý của di tích, tụng ca tinh thần yêu nước bất diệt, tôn vinh giá trị trường tồn của đất nước. Di tích lịch sử - văn hóa Nguyễn Thái Học và khởi nghĩa Yên Bái chẳng những là nơi chiêm vọng mà còn là thắng cảnh hấp dẫn do con người tạo dựng và gìn giữ lâu dài.
Là điểm trọng yêu của công viên văn hóa, di tích được nhấn mạnh bởi tinh thần nhân văn sâu sắc, vừa là tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, vừa tạo được cảnh quan hấp dẫn phù hợp với ý tưởng thẩm mỹ và tâm niệm của mỗi người – là nơi góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Di tích lịch sử - văn hóa “Khởi nghĩa Yên Bái” gồm khu lăng mộ, khu tượng đài, khu nhà đón khách, bia tưởng niệm và khuân viên cây cảnh. Với ý tưởng tôn vinh tinh thần yêu nước, cho nên mọi chi tiết kiến trúc đều nhất quán, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính văn hóa, vừa có ý nghĩa truyền thống, vừa có ý nghĩa thẩm mỹ lâu dài.
Nổi bật nhất khu vực này là câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học trở thành phương châm hành động và tư tưởng chủ đạo của Việt Nam quốc dân Đảng, đó là “Không thành công cũng thành nhân”, được nghĩa quân coi như lời thề quyết tử.
Mộ 1: gồm 4 người bị hành quyết ngày 8/5/1930 là các ông cai phục vụ trong quân đội Pháp, nổi dậy trực tiếp chỉ huy đánh chiếm đồn Pháp.
Mộ 2: gồm 13 người bị hành quyết ngày 17/6/1930, là các yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng, trong đó có Nguyễn Thái Học (mất lúc 27 tuổi), Phó Đức Chính (mất lúc 21 tuổi)…
Bảng ghi tên 17 liệt sỹ, có mái che mô phỏng mái âm dương truyền thống của Việt Nam, tạo cảm giác linh thiêng, tôn kính. Mô phỏng lưỡi máy chém, ghi câu thơ dịch từ nguyên văn tiếng Pháp do Nguyễn Thái Học đọc trên đường ra pháp trường:
“Chết vì tổ quốc chết vinh
Lòng ta sung sướng, chí ta nhẹ nhàng…”
Ý đồ kiến trúc: 17 liệt sỹ tương ứng với 17 cột trụ được liên kết bằng vòng tròn không khép kín, biểu hiện sự dở dang , sự thiếu toàn vẹn, sự thất bại của cuộc khởi nghĩa, sự khiếm khuyết của phong trào. Mảnh vỡ được rơi về đất mẹ, làm mầm mống cho sự tiếp tục, lòng yêu nước mãi mãi sinh sôi. Nhìn qua khoảng trống giữa các cột thấy được các bức tranh thiên nhiên sinh động. Đây là nơi tập trung anh linh tôn kính, với phong thủy độc đáo, gần với triết lý nhân sinh dân tộc. Với không gian kiến trúc mở, gợi cho mọi người liên tưởng về sự bất diệt giữa cõi trời, cõi đất và cõi người. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái làm chấn động toàn cõi Đông Dương, lay động tới nước Pháp. Nhà thơ cộng sản Pháp Luis Aragon đã viết bài thơ “Yên Bái” đăng trên tờ Mặt trận đỏ tại Pari (tháng 6/1930):
“Yên Bái
Đây là điều nhắc nhở ta rằng
Không thể bịt miệng một dân tộc
Mà người ta không thể khuất phục
Bằng lưỡi kiếm của đao phủ.
Yên Bái,
gửi tới những người anh em da vàng lời nguyền này,
để mỗi giọt cuộc sống các bạn đều tràn máu một tên Varene”
Với ý tưởng tôn vinh tinh thần yêu nước và tâm thế của ý chí quật cường dân tộc Việt Nam, nhóm nhân vật được liên kết thành khối, vừa thực vừa siêu thoát. Nhóm tượng thế hiện tinh thần chung, bao hàm cho cả cuộc khởi nghĩa, nên có người hy sinh tại Yên Bái, có người không hy sinh tại Yên Bái nhưng rất tiêu biểu, đều được chọn làm nhân vật. Nhóm tượng được đặt trên nền đất bền vững, theo nguyên tắc lý tưởng về sơn thủy. Nhân vật thứ nhất là Nguyễn Thái Học, được lấy nguyên mẫu từ bức ảnh khi ông là sinh viên thương mại, sáng láng trí tuệ, trẻ trung và đầy ý chí. Ông là linh hồn của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng, trước khi lên đoạn đầu đài, thực dân Pháp bắt ông chứng kiến lần lượt 12 đồng chí của ông bị hành quyết. Dưới máy chém ông hô vang “Việt Nam vạn tuế”, tiếng hô nửa chừng, đầu văng ra, miệng vẫn còn mấp máy. Nhân vật thứ 2 là Nguyễn Khắc Nhu, 48 tuổi, chỉ huy trực tiếp đánh đồn Hưng Hóa nhưng không thành. Quân Pháp đuổi bắt, ông nằm trên trái mìn tự tạo, giật nổ nhưng ông chỉ bị thương. Với ý chí không chịu sa vào tay giặc, về nhà lao Hưng Hóa, ông đã tự đập đầu chết. Nhân vật thứ 3 là Phó Đức Chính, người trực tiếp chỉ huy đánh Đồn Thông (Sơn Tây). Trước khi lên máy chém, người Pháp hỏi: “Anh chết trẻ, có ân hận không?”, Phó Đức Chính trả lời: “Sống làm người mong làm một việc lớn, việc không thành có gì ân hận!”. Nhân vật thứ 4 là Nguyễn Thị Giang, thường gọi là cô Giang, người làm công tác binh vận, là vợ Nguyễn Thái Học, đã tổ chức đám cưới bí mật tại Đền Hùng, có sự chứng kiến của tổ chức và người nhà. Khi Nguyễn Thái Học bị chém, cô Giang đóng giả đàn ông, trà trộn vào người xem để được nhìn mặt chồng lần cuối. Rồi trở về quê Nguyễn Thái Học, thắp hương trên mộ tổ tiên, sau đó ra giữa cánh đồng, dùng khẩu súng ngắn Nguyễn Thái Học tặng để tự sát. Cô Giang để lại một bài thơ tuyệt mệnh rất cảm động. Chính vì thế mà cụ Phan Bội Châu đã viết bài văn tế cô Giang lên hàng nữ liệt của Việt Nam. Nhân vật thứ 5 là hình ảnh ông cai (lính Việt trong quân đội Pháp) đại diện cho lực lượng chủ yếu nổi dậy chống Pháp trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Lăng mộ và nhóm tượng đài đều hướng ra phía hồ Cô Giang, không bao giờ cạn nước, như lòng yêu nước mãi mãi dâng đầy.
Cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã để lại bài học lịch sử sâu sắc rằng con đường cách mạng dù phải trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng làn sóng yêu nước ngày càng lan tỏa. Những người hy sinh luôn được nhân dân tưởng nhớ, biết ơn và thành kính chăm chút. Hàng cây tùng tháp như hàng tiêu binh, các ô cây xanh tạo sự gần gũi, thân thương, như sự sống mãi mãi sinh sôi. Nhà đón khách đón gió lành từ bốn phương, thể hiện tình cảm của nhân dân Yên Bái luôn khoáng đạt.
Trong quy hoạch tới, không gian còn tiếp tục rộng mở, với những hạng mục mới, trong đó đáng kể là khu trồng cây lưu niệm của các nhà lãnh đạo cao cấp, những nhà văn hóa lớn và bạn bè khắp nơi tới chiêm ngưỡng, tham quan di tích.
Khởi nghĩa Yên Bái tuy thất bại, nhưng lòng yêu nước là bất diệt. Chính vì thế, trên đất nước ta, rất nhiều nơi lấy tên Nguyễn Thái Học đặt tên cho các đại lộ và các trường học. Nhiều tỉnh lấy tên Nguyễn Khắc Nhu (xứ Nhu), Phó Đức Chính, Cô Giang… đặt tên cho các đường phố. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ đã lấy đề tài khởi nghĩa Yên Bái để viết thành tiểu thuyết, thơ, nhạc, kịch bản sân khấu, để lại nhiều tác phẩm giá trị, thấm đẫm tình yêu nước. Cụ Phan Bội Châu đã viết bài văn tế về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và các nhân vật trọng yếu của cuộc khởi nghĩa. Cụ Ngô Quang Đoan, yếu nhân của Quang Phục Hội đã có câu đối:
“Nghĩa lớn đã làm: Giết giặc, lòng son ngời nhật nguyệt
Thù sâu chưa trả: Hy sinh, khí mạnh rạng non sông”
Đối với cuộc khởi nghĩa Yên Bái: “Lòng yêu nước không bao giờ cũ” là như vậy. Đó cũng là tài sản tinh thần mà cuộc khởi nghĩa Yên Bái để lại.