Đền Tuần Quán toạ lạc tại bờ phải cửa ngòi Tuần Quán chảy ra tả ngạn sông Hồng thuộc tổ Bách Lẫm, phường Yên Ninh thành phố Yên Bái, cách ga Yên Bái 3 km về phía nam.
Nơi đây có đường bộ dài 2,5 km nối từ ngã ba bến xe khách Yên Bái song song với sông Hồng và đường sắt Yên Bái - Hà Nội tới sau đền. Đường thuỷ từ bến đò bến xe khách Yên Bái và bến đò chùa Bách Lẫm xuống cửa đền dài trên 2 km và có thuyền máy túc trực đưa đón khách hành hương. Đường chính vào đền Tuần Quán là từ ngã tư km 4 thành phố Yên Bái qua Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn. Ngoài ra còn có đường từ km 2 chạy thẳng tới đền.
Đền quay lưng vào chân dãy gò bát úp ken đặc cao trung bình 30m - 50m về phía bắc, đông bắc. Con đường sắt Yên Bái - Hà Nội ngăn đền với dãy đồi bao quanh. Ngòi Tuần Quán uốn lượn phía đông ngay sát đền. Trước mặt là chính hướng tây - nam với con sông Hồng mùa lũ ngầu đục phù sa lao dữ dội giáp cửa đền.
Miếu Quán Tuần đã có từ trước thời Lê Trung Hưng đầu thế kỷ 15, (toạ lạc dưới chân "gò mả Tây", phía trong đường sắt Yên Bái - Hà Nội bây giờ) thờ mẫu Liễu Hạnh và mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn. Ít năm sau, trưởng nữ của vị Tri phủ Quy Hoá Nguyễn Công tổ chức di dời miếu xuống Văn Phú (bên dưới cầu Tuần Quán cạnh gốc đa đình để lấy đất dựng cơ quan trấn lỵ Hưng Hoá) gọi là Văn Phú miếu. Miếu nhỏ, lợp tranh.
Giữa thế kỷ 19, tướng Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc được triều Nguyễn phong làm Phòng ngự sứ Thuỷ Vỹ - nhân về thăm Tuần ải quan Bách Lẫm - muốn rằng việc lễ bái của quân lính mình được thuận tiện bèn cho rước tượng Mẫu từ Văn Phú lên gần địa điểm cũ ở gò mả Tây và dựng lại miếu ở đây. Hội Mộc Ân thờ phụng đền Tuần Quán sau này thường nhắc lại một câu chuyện xưa: Chiếm xong thành Sơn Tây, quân Pháp thường cho ca nô ngược Sông Thao thám thính. Tướng Lưu chốt quân ở Quán Tuần. Ông nằm mơ thấy “Mẫu Tuần" đánh thức ông dậy để phòng vệ, chủ động chặn giặc. Biết tin, địch rút lui ngay. Để trả ơn, tướng Lưu sai quân sĩ xây miếu to đẹp hơn trước.
Năm 1900, tỉnh Yên Bái thành lập, năm 1910 đường sắt Hà Nội - Yên Bái khai thông, việc đi lại thuận tiện hơn trước. Miếu lúc này trở thành đền, thu hút đông đảo khách thập phương tới chiêm bái. Cùng năm, một thương gia lớn cùng các ông Quản Nhiên làm cung ngoài tức cung Công Đồng. Sau đó, đền được chuyển xuống cửa ngòi Tuần Quán, đúng vị trí đền hiện nay (di đến địa điểm mới rồi mới xây gian Công Đồng). Tiếp đó, vào năm Giáp Dần và Ất Mão (1914 - 1915), toàn dân xã Bách Lẫm đã đứng ra xây gạch cung thượng tức hậu cung của đền.
Năm Kỷ Tỵ (1929), hội Mộc Ân và dân Bách Lẫm cộng dồn và xây lại toàn bộ đền bên ngoài, đắp cột trụ và tượng ông Thiện, ông Ác. Khâu kỹ thuật do thợ Hương Canh (Vĩnh Yên ) đảm nhiệm. Năm Tân Tỵ (1941), đền tiếp tục được sửa cổng và quanh sân. Năm Nhâm Ngọ (1942), thì xây dựng nhà oản gạch.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đền bị máy bay oanh tác nhiều lần nhưng không trúng bom. Riêng nhà oản bị bắn cháy.
Vì ở sát cầu Tuần Quán bị không quân Mỹ ném bom phá hoại nhiều lần, đền hư hại nghiêm trọng, cộng thêm sự xâm thực của nắng mưa nên đền thật sự trở thành phế tích.
Năm 1993, một bộ phận nhân dân và một số người có thiện tâm khởi xướng việc khôi phục đền để đáp ứng nhu cầu lễ bái của đông đảo thiện nam tín nữ; ngày càng có nhiều khách nội tỉnh và các tỉnh, thành khác trongcar nước đến chiêm bái đền Mẫu.
Trước năm 1990,hậu cung tôn tượng mẫu Liễu Hạnh và hai tượng hầu: bà Quỳnh, bà Quế. Bên hữu thờ bà Khâm tức Lẫm Sơn Công chúa Khâm Sai. Tả cung vọng Bà Đông, còn gọi bà Đông Cuông Công chúa.Cung trung thờ Tam Phủ: Thượng Thiên, Thượng Ngà, Thuỷ Cung.Cung ngoài: Giữa ngũ vị Tôn ông; bên phải bày tượng ông Hoàng Sáu trên treo hoành phi "Đức Hợp Vô Cương" bên trái đặt tượng ông Hoàng Mười với bức "Vạn Cổ Anh Phong".Ở Cung Công Đồng, vị nhân thần "Lẫm Sơn Công Chúa Khâm Sai" nguyên là trưởng nữ Tri phủ Quy Hoá Nguyễn Công được triều vua Khải Định phong tặng Trung Đảng Thần và giao sứ mệnh trấn giữ cả vùng Bảo Hà (Lào Cai), lúc đầu thờ ở miếu Văn Phú, sau hiển linh được tôn vinh tại đền Tuần Quán. Lẫm Sơn Công chúa Khâm Sai còn được tôn tụng là Bà Lớn Tuần. Trong ngũ vị Tôn Ông có Ông Lớn Tuần Chanh cũng là nhân thần, sinh thời làm Đốc Tuần ở Tuần Quán có công dẹp yên giặc giã, bảo vệ nhân dân Bách Lẫm.
Đền còn thờ hai ái nữ của quan Tri huyện Trấn Yên Nguyễn Đình: một chết đuối tại sông gần cửa đền năm lên 6 tuổi và một tắm sông bị cảm chết năm 18 tuổi lúc đó chưa lập gia đình.
Sau năm 1990, ngoài chư thần kể trên đền Tuần Quán thờ thêm:Đại vương Trần Hưng Đạo, Ông Hoàng Bảy và các Cô - Cậu Sơn Trang.
Trước năm 1945, vào mùa Xuân, đền Tuần Quán tổ chức lễ Thượng Nguyên 15/01. Ngày 03/3, chính tiệc, còn gọi là Hội mẹ, tế lễ linh đình, rước kiệu Mẫu từ Tuần Quán lên đền Vọng Tuần, đền Vọng Đông ở tỉnh lỵ; tổ chức nhiều trò chơi: cờ tướng, tổ tôm, bơi chải, đánh vật, kéo chữ,...Thi ca chầu văn, hát chèo. Tiệc lễ mở màn từ 1-3 đến 6-3 thì kết thúc. Vào mùa Hạ, ngày 15/5, đền tổ chức lế giỗ quan lớn Tuần Chanh (tiệc vừa). Mùa Thu có tiệc Đức Thánh Trần, còn gọi tiệc Cha ngày 20/8 và mùa đồng có lễ tất niên 25/12.
Hiện nay, lễ tiết vẫn như trước nhưng lễ hội có điều kiện triển khai phong phú.Bên cạnh đó, các trò chơi ngoài trời và nghi lễ nội đền có tính chất văn hoá như thi chầu được tổ chức linh đình.
Đền Tuần Quán là một trong các đền có nhiều sắc phong:
Năm Lê Cảnh Hưng thứ 44 (năm dương lịch là 1784) ngày 26 tháng 7, Thánh Mẫu Quán Tuần được gia phong "Đức chúa Quốc Mẫu” , “Hoàng Ân Phương Dung"; là phong sắc đầu tiên ban cấp cho nhân dân xã Bạch Bẩm (sau đổi thành Bách Lẫm) huyện Trấn Yên, phủ Quy Hoá, Trấn Hưng Hoá được treo trước phụng thờ Mẫu và chăm nom linh từ.
Cung văn, thủ nhang và thiện nam tín nữ thường quan niệm vị nữ thần này là " Đức Quốc Mẫu Phủ Giầy", còn gọi Mẫu Liễu Hạnh.
Năm Thành Thái Nguyên niên (năm dương lịch là 1888) ngày 18 tháng 11, Phu nhân Quế Anh có công "bảo vệ tổ quốc che chở nhân dân", thờ ở xã Bách Lẫm huyện Trấn Yên - Hưng Hoá được phong " Nhàn Uyển Dực Bảo Trung Hưng Chi Thần".
Cùng ngày tháng và niên hiệu trên, Phu nhân Quỳnh Anh có công "bảo vệ Tổ quốc che chở nhân dân" thờ ở xã Bách Lẫm huyện Trấn Yên - Hưng Hoá được phong " Nhần Uyển Dực Bảo Trung Hưng Chi Thần".
Năm Khải Định thứ hai (năm dương lịch là 1917) ngày 18 tháng 3, Mẫu Liễu Hạnh "có công bảo vệ Tổ quốc che chở nhân dân" thờ ở xã Bách Lẫm huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái được phong "Thượng Đẳng Thần ".
Ngày 25 tháng 7, triều Khải Định thứ 9 (năm 1924) tiếp phong "Thượng Đẳng Thần "cho Mẫu Liễu và cùng gia tặng cấp " Thượng Đẳng Thần " cho hai nữ thần Quỳnh, Quế.