image banner
Cổng đục – Đồn Cao một di tích ghi dấu ấn lịch sử
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 155
Di tích Cổng Đục- Đồn Cao Yên Bái nằm ở phía Tây Bắc thị xã Yên Bái cũ, cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái chừng 5,5km. Để đến được với di tích, chúng ta có thể đi bằng đường bộ.

Di tích Cổng Đục- Đồn Cao Yên Bái nằm ở phía Tây Bắc thị xã Yên Bái cũ, cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái chừng 5,5km. Để đến được với di tích, chúng ta có thể đi bằng đường bộ. Từ trung tâm tỉnh lỵ (km5) theo đường Điện Biên qua dốc Cao Lanh đi vào đại lộ Nguyễn Thái Học, tới đầu cầu Yên Bái rẽ tay phải đi 1 km rẽ tiếp bên phải lên dốc Nhà máy nước, đi tiếp chừng 100m là tới di tích. Hiện nay thuộc tổ 16, phố Phúc Tân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Đồn Cao được thực dân Pháp xây dựng trên quả đồi cao hơn 70m so với mực nước biển. Nơi đây có thể bao quát toàn bộ trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái cũ, đồng thời có thể kiểm soát cả một đoạn sông Thao (sông Hồng) dài chừng 2km, bao quanh phía Tây thị xã.

       Theo lịch sử ghi lại, liên quan đến khởi nghĩa Yên Bái vào tháng 2/1930 có hai địa điểm là Đồn Cao và Đồn Dưới. Hiện nay, Đồn Dưới dân cư đã ở đông đúc, không còn dấu tích gì, ở Đồn Cao thì chỉ còn di tích Cổng Đục. Đây là công trình vòm uốn lớn, được xây vào năm 1893 bằng gạch đỏ, dày khoảng 50 cm, chiều rộng khoảng 4 m, chiều cao 4 m, dài khoảng 20 m và xuyên chéo xuống lòng đồi nối với hầm ngầm. Cổng Đục giờ chỉ còn một đoạn dài hơn chục mét, phía cuối đã bị nứt, sạt do bị máy bay Mỹ ném bom trong chiến tranh trước đây. Nóc hầm xây bằng gạch đỏ, láng xi măng bên trên và dày khoảng 10 cm, hiện cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

       Đồn binh Yên Bái bao gồm đồn Cao và đồn Dưới được xây dựng tại khu vực đồi cao nhất của thị xã Yên Bái. Đồn Cao có một vị trí quân sự chiến lược nằm ở phía Tây thị xã Yên Bái cũ. Từ đây, có thể quan sát toàn bộ trung tâm tỉnh lỵ và kiểm soát cả một đoạn sông Thao bao quanh phía Tây thị xã, dài chừng 2km, từ bến Âu Lâu đến Bách Lẫm, đồng thời bao quát con đường bộ và đường sắt nối từ Hà Nội đi Lao Cai và vào các huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái. Vì vậy, người Pháp cho xây dựng cổng hậu ở phía Tây. Nơi đây dốc thoải, nhưng để thuận tiện cho việc đi lại của xe cơ giới và binh lính, người Pháp cho đục qua gò để làm đường đi, nối từ Đồn Cao với khu vực hậu cần của đồn (kho chứa quân dụng, xe pháo, chuồng ngựa, nhà thương, …). Người Pháp giao cho một viên đội khố đỏ tên là Lục, người theo đạo Công giáo, quê ở Nam Định, tổ chức thi công công trình này. Chính vì vậy, cổng này có tên là Cổng Đục. Cổng hình bán nguyệt, rộng chừng 3 – 4m, chiều cao 3m, dài khoảng 20m, thành cổng xây bằng gạch đỏ dày 40 – 50cm. Theo các cụ già Yên Bái kể lại thì chiếc hầm dưới lòng đồi này là nơi chỉ huy của Tacon và các sĩ quan Pháp, hầm có hai cửa. Cửa chính là Cổng Đục, cổng này xuyên chéo xuống lòng đồi, nối với hầm ngầm. Mặt trước vòm uốn có hàng số nổi “1893”. Cuối hầm ngầm là một cửa nhỏ thông lên mặt đất, cửa này hiện đang có một bụi tre chắn ngang, che lấp toàn bộ. Từ Cổng Đục đến cửa sau ước chừng khoảng 40 – 50m. Nóc hầm xây bằng gạch đỏ, láng xi măng dày khoảng 10cm, đã sụt lở rất nhiều. Đây là một chiếc hầm bê tông rất kiên cố, sâu hút trong lòng đồi, từ xưa đã rất ít người dám xuống.

       Cổng Đục- Đồn Cao là một di tích đã đi vào lịch sử hào hùng của nhân dân ta. Những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ nơi chiến trận đã làm cho nhân dân khâm phục, cổ vũ tinh thần giáo dục truyền thống yêu nước của toàn dân, bồi đắp thêm ý chí quyết tâm chống kẻ thù xâm lược cho nhân dân và các thế hệ sau. Di tích  Cổng Đục – Đồn Cao được UBND tỉnh Yên Bái xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh theo số 60/QĐ-UBND ngày 20 tháng 1 năm 2012.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0