Trả lời:
Việc thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường và cử người giải quyết bồi thường được quy định tại Điều 43 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cụ thể như sau:
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 41 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan giải quyết bồi thường phải thụ lý hồ sơ và vào sổ thụ lý, trừ trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường sẽ không thụ lý hồ sơ khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Yêu cầu bồi thường không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
- Thời hiệu yêu cầu bồi thường đã hết;
- Yêu cầu bồi thường không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Chương II của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
- Người yêu cầu bồi thường không phải là người có quyền yêu cầu bồi thường bao gồm: Người bị thiệt hại; Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự; Cá nhân, pháp nhân được những người nêu trên ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
- Hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại Điều 41 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà người yêu cầu bồi thường không bổ sung trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung hồ sơ;
- Yêu cầu bồi thường đã được khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường khi chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường và đã được Tòa án có thẩm quyền thụ lý theo thủ tục tố tụng dân sự;
- Yêu cầu bồi thường đã được Tòa án có thẩm quyền chấp nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 55 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
- Yêu cầu bồi thường đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Việc cử người giải quyết bồi thường được thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ, cơ quan giải quyết bồi thường phải cử người giải quyết bồi thường;
- Người giải quyết bồi thường là người có kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ trong ngành, lĩnh vực phát sinh yêu cầu bồi thường; không được là người có quyền và lợi ích liên quan đến vụ việc hoặc là người thân thích theo quy định của Bộ luật Dân sự của người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại.
Việc thụ lý hồ sơ, không thụ lý hồ sơ và cử người giải quyết bồi thường phải được thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường và cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Trường hợp không thụ lý hồ sơ thì phải trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do; đối với trường hợp têu cầu bồi thường không thuộc thẩm quyền giải quyết thì hướng dẫn người yêu cầu bồi thường đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp đã thụ lý hồ sơ mà có một trong các căn cứ không thụ lý hồ sơ nêu trên thì cơ quan giải quyết bồi thường dừng việc giải quyết, xóa tên vụ việc trong sổ thụ lý và trả lại hồ sơ cho người yêu cầu bồi thường.
Trường hợp người bị thiệt hại chỉ yêu cầu phục hồi danh dự thì không ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại Mục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Việc phục hồi danh dự được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường.