image banner
Tiềm năng kinh tế
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 536
Tiềm năng kinh tế

http://thanhphoyenbai.vn/ContentFiles/FCKEditor/admin/image/tiemnangthemanh/dautuYb.jpg

 

           Giao thông vận tải: Là một trong những cửa ngõ để tiến sâu vào miền Tây Bắc với một mạng lưới đường sắt, đường bộ, đường thuỷ khá thuận lợi. Thành phố Yên Bái có một vị trí khá quan trọng trong đầu mối giao thông huyết mạch nối vùng Tây Bắc với trung du Bắc Bộ. Tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Hải Phòng - Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai - Vân Nam (Trung Quốc). Tuyến đường thuỷ sông Hồng từ thành phố Yên Bái xuôi về Hà Nội rồi đi tiếp đến cảng Hải Phòng. Tuyến ngược cập bến cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Trong tương lai, đường băng sân bay Yên Bái sẽ được mở rộng thành sân bay dân dụng khai thác đón khách đến với Yên Bái.

            Mạng lưới đường giao thông trong nội thành được đầu tư khá hoàn chỉnh. Các đường trục chính như Quốc lộ 37, đại lộ Nguyễn Thái Học, đường Yên Ninh, đường Trần Phú, đường Kim Đồng... đã được xây dựng theo quy hoạch đô thị với hệ thống hành lang, cống thoát nước, đèn chiếu sáng, cây xanh. Hệ thống cầu xây dựng tương đối đồng bộ bắc qua các suối, hồ trong đó có cây cầu lớn nhất bắc qua sông Hồng là cầu Yên Bái tạo điều kiện cho giao thông thuận tiện vào miền Tây Bắc. Bến xe khách Yên Bái đã mở nhiều tuyến liên tỉnh, liên huyện tạo điều kiện cho việc luân chuyển hành khách, hàng hoá.

            Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Là trung tâm kinh tế của tỉnh, thành phố đã phát huy được sức mạnh tổng hợp bằng chính nội lực của mình. Những công ty lớn của tỉnh đóng trên địa bàn như gạch Xuân Lan, Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Toàn thành phố năm 2002 có 677 cơ sở sản xuất công nghiệp bao gồm kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài quốc doanh và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với 5.799 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 340.458 triệu đồng. Phát triển tiểu thủ công nghiệp cũng là một trong những thế mạnh của thành phố.. Nhiều cơ sở như tổ hợp cơ khí Hồng Hà, công ty TNHH Tân Thành, HTX Thành Công... đã mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Một số nhánh hàng sản xuất ổn định có mức tăng khá về giá trị sản lượng như: chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các sản phẩm từ kim loại. Một số sản phẩm được giữ vững và phát triển tốt như chế biến chè khô, đũa gỗ, máy vò chè, cao lanh tinh lọc.

            Về sản xuất nông - lâm nghiệp: Thành phố hiện nay có diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt là 670 ha với sản lượng là 2.721 tấn, trong đó diện tích trồng lúa là 560 ha với sản lượng lúa là 2.430 tấn. Do địa hình ở ven sông, đất đai màu mỡ nên thành phố có một vùng chuyên canh rau là 113 ha với sản lượng là 1.899 tấn. Diện tích trồng chè là 521 ha, sản lượng là 2.607 tấn. Đàn gia súc, gia cầm của thành phố có chiều hướng giảm. Đến nay tổng đàn trâu là 334 con, đàn bò 317 con và đàn lợn là 17.107 con.

            Toàn thành phố có 2.225,27ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng trồng là 1.988,55ha, rừng phòng hộ là 266ha chủ yếu là trồng các cây nguyên liệu giấy như bạch đàn, bồ đề, keo, nứa, vầu...

            Trong sản suất nông - lâm nghiệp, công tác khuyến nông, khuyến lâm, đưa giống mới có năng suất cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được coi trọng. Hiện nay các dự án trọng điểm như trồng giống chè mới, trồng luồng Thanh Hoá. Uỷ ban nhân dân thành phố đã ban hành quy hoạch về quản lý trồng rau sạch, hình thành vùng rau sạch ở xã Tuy Lộc với diện tích 30ha. Với điều kiện thổ nhưỡng của thành phố, phát triển kinh tế trang trại đang là một mô hình tốt. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi của trang trại khá đa dạng điển hình là các trang trại ở phường Nguyễn Phúc, xã Nam Cường, xã Minh Bảo.

            Thương mại, dịch vụ: Trước đây hoạt động buôn bán, thông thương của Yên Bái một thời sôi động với phiên chợ Bách Lẫm. Ngày nay, thành phố đã có một hệ thống chợ đã đáp ứng được nhu cầu trao đổi, mua bán của thị trường. Chợ Yên Bái (chợ Ga) là trung tâm thương mại của tỉnh nằm ở vị trí tập trung các đầu mối giao thông. Hàng hoá ở đây được chuyển đi các nơi trong tỉnh và các vùng lân cận. Có thể gọi đây là một chợ đầu mối. Chợ có diện tích là 10.000m2 trong đó 4.000m2 được xây dựng kiên cố. Trong thời gian tới chợ Yên Bái sẽ được nâng cấp thành chợ loại I. Hoạt động dịch vụ của thành phố đa dạng phong phú. Chủ yếu là dịch vụ chế biến phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

            Thông tin, liên lạc đang tăng tốc phát triển để tiến kịp với trình độ chung. Hệ thống ăng ten viba và mạng cáp quang hiện đại đã đảm bảo liên lạc viễn thông bằng điện thoại tự động, fax, Internet. Mạng điện thoại Vinaphone và Mobiphone được phủ sóng. Số thuê bao điện thoại tăng đáng kể. Nếu như năm 1995 toàn thị xã có 1.808 máy cố định thì năm 2002 đã là 9.773 máy, số máy di động là 2.058. Tất cả các xã, phường đều được trang bị điện thoại liên lạc.

            Văn hoá - xã hội: Cùng với sự phát triển về kinh tế, sự nghiệp văn hoá xã hội của thành phố có nhiều tiến bộ góp phần phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Mạng lưới giáo dục được duy trì, chất lượng dạy và học được nâng lên. 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Mấy năm gần đây một số cơ sở tư thục mầm non được đầu tư và phát triển. Tỷ lệ trường tiểu học, trung học cơ sở, mầm non đạt chuẩn quốc gia của thành phố đạt cao nhất trong toàn tỉnh.

            Các trung tâm y tế của thành phố, trạm y tế xã, phường, đã hoàn thành tốt các chương trình y tế, đảm bảo duy trì tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,64%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chỉ còn 15,8%.

 

            Thông qua các chương trình giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, năm 2001, thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 1.100 lao động, giảm tỷ lệ nghèo xuống còn 3,9%, tỷ lệ thấp nhất so với các nơi khác trong tỉnh.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0