Chăm sóc mạ, lúa vụ Đông Xuân trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, không khí lạnh tiếp tục tăng cường từ tháng 1 - 2/2025, rét đậm rét hại tiếp tục xuất hiện, có thể kéo dài trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía Bắc kèm theo sương muối, băng giá; trong tháng 2/2025 vẫn tiếp tục xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng, số ngày rét đậm, rét hại từ 5-10 ngày ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025.
Viên chức Trung tâm DVHTPTNN hướng dẫn hộ dân làm mạ
Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2024-2025, trên địa bàn thành phố phấn đấu gieo cấy gần 750 ha, trong đó cây lúa 245 ha và hơn 500 ha cây rau màu và cây hàng năm khác. Thời vụ gieo mạ từ ngày 06/01 - 25/01/2025, cấy ném kết thúc trước 15/02/2025; cây hàng năm khác trồng xong trong tháng 3/2025.
Trong thời gian tới, do ảnh hưởng của không khí lạnh, có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, nhất là cây lúa ở giai đoạn làm mạ, lúa mới cấy. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra cho cây lúa vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật phòng chống rét cho mạ, lúa mới cấy như sau:
1. Đối với diện tích mạ: áp dụng các biện pháp làm mạ có che phủ nilon đúng kỹ thuật để chống rét, chim, chuột phá hại. Trong thời gian rét đậm kéo dài không được tháo nilon ở hai đầu luống mạ. Những ngày nhiệt độ ban ngày trên 20°C, có nắng ấm phải tiến hành mở nilon hai đầu luống mạ, khi nhiệt độ ngoài trời ≥ 25oC, cần lật mở nilon sang một bên để tạo thông thoáng, tránh hiệu ứng nhà kính gây ngốt nóng làm cháy lá và mạ sinh trưởng, phát triển kém, chiều tối tiếp tục che lại.
Giữ cho mạ luôn đủ ẩm, nếu mặt luống quá khô có thể tưới hoặc tháo nước vào rãnh cho ngấm đủ rồi tháo cạn nước ngay; tuyệt đối không để nước đọng trên mặt luống. Nếu kiểm tra mạ sinh trưởng phát triển kém dùng 50 - 100g supe lân pha loãng với nước phân chuồng hoai mục để tưới cho 1 m2 mạ nhằm tăng cường phát triển của bộ rễ (tuyệt đối không được tưới nước phân đạm). Trước khi cấy 2-3 ngày cần mở dần nilon luyện cho mạ quen với môi trường.
2. Đối với những hộ đã ngâm ủ hạt giống, kiểm tra mộng mạ đã đạt tiêu chuẩn gieo thì cần tranh thủ buổi trưa để tiến hành gieo ngay. Sau khi gieo xong phải tiến hành che phủ nilon, không được dùng nilon cũ, bẩn, rách sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng giữ ấm, giữ ẩm cũng như khả năng quang hợp. Dùng nilon trắng trong, không quá dày, không quá mỏng, chọn milon khổ rộng để che phủ kín cả luống, tuyệt đối không được hở chân. Vòm nilon đảm bảo độ cao từ 50-60cm, sau khi che xong cần kiểm tra bằng cách cho tay vào bên trong nếu nhiệt độ cao hơn bên ngoài và có hơi nước đọng trong vòm, như vậy nilon đã đảm bảo độ kín.
Áp dụng biện pháp che phủ nilon chống rét cho mạ
3. Những hộ chưa ngâm ủ hạt giống cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thuận lợi, khi nhiệt độ trung bình trong ngày ≥ 150C thì mới tiến hành ngâm ủ. Tuyệt đối không ngâm ủ, gieo mạ và cấy vào những ngày nhiệt độ dưới 150C.
Lưu ý: Cần chủ động gieo mạ dự phòng (5-10% diện tích mạ cùng trà) để kịp thời khắc phục diện tích mạ và lúa mới cấy bị chết do rét đậm, rét hại kéo dài.
4. Đối với những diện tích lúa cấy chủ yếu ở chân ruộng ngoài để tránh lũ tiểu mãn ở xã Âu Lâu, Văn Phú, phường Hợp Minh cần tiếp tục duy trì lớp nước mặt từ 3 - 5 cm với phương châm là lấy nước làm áo nhằm tăng cường khả năng chống chịu rét, tuyệt đối không được để ruộng khô cạn. Trong thời gian rét đậm, rét hại kéo dài tuyệt đối không được chăm sóc, đặc biệt là bón bổ sung phân đạm, đợi khi thời tiết nắng ấm trở lại thì mới tiến hành chăm sóc như bình thường.
Phương Yên - Trung tâm DVHTPTNN thành phố